
Cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về viễn thám từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả
30/10/2024TN&MTThời gian qua mặc dù đã hình thành hệ thống quản lý nhà nước về viễn thám, việc ứng dụng phát triển viễn thám được các Bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hành lang pháp lý về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức trong quản lý phát triển ứng dụng viễn thám chưa đầy đủ, đây chính là một trong những hạn chế lớn cho công tác quản lý và thúc đẩy phát triển viễn thám từ trung ương tới địa phương.
Tăng cường nhân lực quản lý nhà nước đồng bộ
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trên cơ sở nhiệm vụ quản lý nhà nước và Chương trình công tác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện xây dựng và ban hành 11 thông tư quy định kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật về lĩnh vực viễn thám.
Bộ xác định Viễn thám là một lĩnh vực rất mới trong hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường. Vì vậy, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước về viễn thám.
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám ngày càng được hoàn thiện, từng bước giải quyết những vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến viễn thám. Đồng thời, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tiến hành rà soát, hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và các ngành, lĩnh vực có liên quan đến hoạt động viễn thám để đánh giá hiệu quả của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, làm cơ sở cho việc đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và kế hoạch trung, dài hạn.
Kết quả rà soát cho thấy, lĩnh vực viễn thám cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04/01/2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám cho phù hợp với quy định pháp luật triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID và hiện nay đã được sửa đổi tại Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.
Hơn nữa, hệ thống các thông tư quy định về định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực viễn thám còn chưa đầy đủ, một số nội dung nhiệm vụ hiện vẫn phải áp dụng đơn giá, định mức tương tự của các lĩnh vực khác. Nguyên nhân lĩnh vực quản lý nhà nước về viễn thám còn mới, hệ thống thể chế, chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, đặc biệt là các quy định kỹ thuật.
ảnh minh họa
Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở Trung ương, theo Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực quản lý nhà nước về viễn thám đã được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng với việc thành lập Cục Viễn thám quốc gia trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu cho Bộ về công tác quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ phát triển ứng dụng viễn thám.
Tại các nhiệm kỳ của Chính phủ, nhiệm kỳ từ năm 2016-2021, nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ ban hành các Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017, Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, lĩnh vực viễn thám được khẳng định và củng cố là một trong 09 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các Bộ, ngành khác trực thuộc Chính phủ, mặc dù không có quy định cụ thể trong chức năng, nhiệm vụ và không có cơ cấu tổ chức riêng, tuy nhiên, nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám thường được gộp chung trong nhóm quản lý khoa học, công nghệ và môi trường. Một số bộ đặc thù giao cho các cục, vụ chuyên ngành làm đầu mối quản lý như Bộ Khoa học và Công nghệ giao Vụ Công nghệ cao; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giao cho các cục nghiệp vụ kỹ thuật quản lý và phát triển ứng dụng viễn thám.
Tại địa phương, việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về viễn thám, theo Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT ngày 29/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp tỉnh; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp huyện, chức năng quản lý nhà nước về viễn thám được giao cho các Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện giao cho Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám, hoặc phòng chức năng khác. Đối với các ngành, lĩnh vực khác ở địa phương không có quy định cụ thể, hoặc quy định riêng đối với quản lý lĩnh vực viễn thám.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Viễn thám quốc gia, trong quá trình thực thi nhiệm vụ các sở, ngành tại một số tỉnh, thành phố vẫn triển khai một số hoạt động viễn thám như tổng hợp dữ liệu viễn thám, quản lý các nhiệm vụ đề án, dự án, đề tài trong phạm vi ngành, lĩnh vực như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn cao
Theo Cục Viễn thám quốc gia, nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám ở các cơ quan Trung ương, qua khảo sát tại một số Bộ, ngành cho thấy đội ngũ công chức, viên chức chuyên ngành về viễn thám rất thiếu, phần lớn đội ngũ này tập trung tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số đơn vị khác như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số trường đại học,...
Ở một số Bộ, ngành khác có các hoạt động ứng dụng viễn thám chủ yếu là các chuyên gia, cán bộ chuyên môn ở các chuyên ngành, lĩnh vực chuyển sang làm nghiên cứu, triển khai ứng dụng viễn thám.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý cũng như chuyên môn nghiệp vụ về viễn thám chủ yếu tập trung vào ứng dụng viễn thám, sử dụng dữ liệu viễn thám cho các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn, rất ít cán bộ quản lý, chuyên môn ở các Bộ, ngành có trình độ chuyên môn và triển khai các nhiệm vụ về xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là chế tạo, vận hành, quản lý hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám. Số cán bộ này rất nhỏ, chủ yếu đang tập trung tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số viện nghiên cứu, một số trường đại học, hoặc đơn vị quốc phòng, an ninh.
Đối với cấp tỉnh, đội ngũ này chủ yếu tập trung tại các Sở Tài nguyên và Môi trường, số lượng cán bộ có chuyên ngành đào tạo liên quan đến viễn thám tại các sở, ngành khác là không có. Một số sở, ngành có ứng dụng viễn thám thì đội ngũ cán bộ được đào tạo từ các chuyên ngành khác, tự học để ứng dụng, xử lý các nội dung viễn thám trong các đề án, dự án nhiệm vụ chuyên môn.
Ảnh minh họa
Mức độ ứng dụng viễn thám và phát triển nguồn nhân lực viễn thám ở địa phương rất hạn chế. Hoạt động quản lý nhà nước về viễn thám ở địa phương lần đầu tiên được quy định tại Thông tư số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Do lĩnh vực viễn thám đang trong quá trình xây dựng và thiết lập chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nên hầu hết tại địa phương mới triển khai ứng dụng viễn thám, chưa xuất hiện nhiều đối tượng quản lý.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Trần Tuấn Ngọc, tại Báo cáo sơ kết thực hiện chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, qua làm việc với một số Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng; các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Điện Biên về công tác quản lý nhà nước về viễn thám, nguồn nhân lực quản lý và ứng dụng viễn thám, các nhiệm vụ ứng dụng viễn thám trên địa bàn các tỉnh này hầu hết việc ứng dụng viễn thám chỉ được triển khai với quy mô nhỏ, phạm vi ứng dụng hẹp tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các tỉnh thành khác gần như chưa triển khai. Đội ngũ nhân lực về viễn thám gần như chưa có, tại một số Sở Tài nguyên và Môi trường có 01 cán bộ phụ trách công tác viễn thám nhưng không được đào tạo cơ bản về viễn thám.
Chính vì việc ứng dụng viễn thám tại cấp địa phương còn hạn chế nên công tác quản lý nhà nước chưa thực hiện được trên thực tế. Với chức năng đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước ở địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ thực hiện được việc thống kê nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám trên địa bàn tỉnh và đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hầu như các Sở Tài nguyên và Môi trường chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về viễn thám.
Do vậy, theo Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, thời gian tới cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về viễn thám từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng chính sách thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ cao nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám. Đồng thời, hình thành một số chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sỹ chuyên ngành về viễn thám.
Nhất Nam